Công tác vận động nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, nâng cao đường giao thông trên địa bàn huyện Lạc Dương In trang
28/08/2023 09:25 SA

Lạc Dương là huyện vùng cao, phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên là 131.393,76 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 113.837 ha, đất sản xuất nông nghiệp là 12.383 ha, còn lại là đất khác. Huyện có 6 đơn vị hành chính cấp xã,Thị trấn Lạc Dương và 34 thôn, tổ dân phố. Dân số trên địa bàn huyện là 32.240 nhân khẩu/7.684 hộ, có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS 21.517 nhân khẩu/5.063 hộ chiếm 66,74% dân số toàn huyện. Tổng số hộ nghèo toàn huyện 448 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 5,8 %; hộ hộ nghèo là người DTTS  là 446  hộ chiếm tỷ lệ 8,8 %; Hộ cận nghèo giảm xuống còn 492 hộ chiếm 6,4%, hộ cận nghèo là DTTS còn 485 hộ chiếm tỷ lệ 9,6%. Trên địa bàn huyện gồm có 3 tôn giáo chính là Tin Lành, Công giáo, Phật giáo với tổng số 21.806 tín đồ, chiếm 67,64% dân số.

Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Đạ Nhim đang đi vận động nhân dân hiến đất mở rộng nâng cấp đường liên thôn tại Thôn Liêng Bông
Chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Đạ Nhim đang đi vận động nhân dân hiến đất mở rộng nâng cấp đường liên thôn tại Thôn Liêng Bông

Từ giai đoạn 2013 đến nay, trên địa bàn huyện triển khai rất nhiều công trình, dự án như đường giao thông, thiết chế văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng theo phương châm “Người dân hiến đất, nhà nước chỉ hỗ trợ hoa màu, vật kiến trúc trên đất”. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan thường xuyên làm việc với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền, trực tiếp kiểm tra các công trình, đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình xử lý, giải quyết trong công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư… Tuy nhiên, đây cũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp bởi có tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân. Chính vì vậy, để dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là thực hiện tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng.

Các cơ quan, ban ngành dưới sự lãnh, chỉ đạo của Ban thường vụ Huyện ủy đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các Tổ dân phố, thôn liên quan tiến hành thống kê danh sách các hộ gia đình, cá nhân trên hướng tuyến trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức họp dân để thông báo chủ trương, quy mô đầu tư, xin ý kiến người dân về việc hiến đất để xây dựng các công trình, nâng cấp đường giao thông cũng như kế hoạch triển khai cắm mốc GPMB, thống kê vật kiến trúc, cây trồng trong phạm vi ảnh hưởng… kế hoạch triển khai thi công xây dựng các công trình, nâng cấp đường giao thông. Trên tinh thần, phương châm Nhà nước đầu tư xây dựng công trình, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở bị ảnh hưởng, di dời và lắp dựng lại các công trình vật kiến trúc, cây trồng có trên đất; nhân dân tự nguyện hiến đất nhằm mục đích phát triển cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan môi trường sống cùng với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn Lạc Dương đã làm việc với tổ dân phố, thôn thông báo chủ trương, tổ chức họp dân (đối với các hộ bị ảnh hưởng); phân công nhiệm vụ cho các tổ chức của xã, thị trấn cùng với Ban vận động của huyện để gặp gỡ trực tiếp các hộ dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân trước khi triển khai dự án. Tổ chức niêm yết công khai các chủ trương, danh sách các hộ bị ảnh hưởng tại tổ dân phố, khu dân cư và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn để nhân dân thuận tiện theo dõi, giám sát, tránh việc so bì, khiếu kiện.

Đường vào khu sản xuất thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương.
Đường vào khu sản xuất thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương.

Trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực tích cực trong công tác phối hợp, vận động nhân dân cùng với nhà nước hiến đất làm đường giao thông. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện Lạc Dương khi triển khai đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Vận động giải phóng mặt bằng cũng như tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập Ban vận động GPMB của huyện các xã, thị trấn cũng thành lập Ban vận động giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, thực hiện công tác vận động hiến đất. Chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Kịp thời tiếp thu các ý  kiến tham gia góp ý, thắc mắc của các hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các dự án, các công trình, cũng như giải quyết các đơn thư, kiến nghị của nhân dân liên quan liên quan đến dự án. Đã tổ chức vận động nhân dân thực hiện các công trình, dự án lớn của huyện như: Dự án nâng cấp hệ thống đường và chống sạt lở tuyến thị trấn Lạc Dương đi Đà Lạt với tổng số hộ, tổ chức đã bàn giao mặt bằng 46/66 hộ, 04/04 cơ quan, tổ chức; giá trị hỗ trợ GPMB là 2.305/7.700 triệu đồng với diện tích đất là 15.823,02m2; diện tích đất của 04 tổ chức là 19.451m2. Dự án nâng cấp, mở rộng đường 19/5 thị trấn Lạc Dương có 165/278 hộ đã giao mặt bằng; giá trị hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.496 triệu đồng, còn lại 113/278 đang tiếp tục vận động. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Văn Lang, thị trấn Lạc Dương có 46/69 hộ gia đình đã bàn giao mặt bằng với giá trị hỗ trợ khoảng 434 triệu đồng, còn lại 23/69 hộ đang tiếp tục vận động. Dự án nâng cấp một số tuyến đường trên địa bàn huyện Lạc Dương công trình đường Duy Tân thị trấn Lạc Dương có 168/170 hộ đã bàn giao mặt bằng; còn 2/170 hộ đang  tiếp tục vận động; công trình đường Thung Lũng Nắng xã Đạ Sar có 10/10 hộ đã giao mặt bằng. Dự án xây dựng đường giao thông từ xã Lát đến huyện Lạc Dương đi xã Phi Tô, huyện Lâm Hà có 56/56 hộ đã giao mặt bằng và đã hoàn thành công tác vận động giải phóng mặt bằng. Dự án Nâng cấp, đô thị hóa đường trục chính với xã Đạ Sar với số hộ ảnh hưởng 153 hộ, đến nay đã có 40/153 hộ đã thống nhất bàn giao mặt bằng để thi công còn 113/153 hộ đang tiếp tục vận động.

Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện thực hiện công tác quy hoạch đối với 10 đồ án và công tác giải phóng mặt bằng đối với 37 hạng mục công trình dự án (trong đó có 17 dự án là vận động người dân hiến đất làm đường và 20 dự án thu hồi bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng) như: dự án hiến đất làm đường đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động được 506 hộ dân với tổng diện tích đạt khoảng 52.000m2 chi trả hỗ trợ số tiền là 9,8 tỷ đồng. Dự án thu hồi bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ảnh hưởng cho 240 hộ dân với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 200.000 m2, số tiền bồi thường hỗ trợ gần 60 tỷ đồng.

Quá trình triển khai công tác vận động nhân dân đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, nâng cấp đường giao thông trên địa bàn huyện rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các bước, quy trình công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trước khi triển khai dự án nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến dự án.

Hai là, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức phối hợp chặt chẽ, đồng bộ phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong công tác nắm tình hình về dự án.

Ba là, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe kiến nghị của người dân. Tăng cường kỹ năng tuyên truyền của các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các tổ công tác thực hiện giải phóng mặt bằng, vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa đúng quy định của pháp luật. Cán bộ làm công tác bồi thường phải bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc giải quyết đơn thư của công dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chống đối, chây ỳ, chậm bàn giao mặt bằng khi đã được các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo.

Năm là: chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm trong công tác công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo điều kiện để Nhân dân ổn định cuộc sống sau khi thực hiện các công trình, dự án.

(Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”)

                                                                        Phòng dân vận CCQNN, dân tộc và tôn giáo

 

Lượt xem: 640
Liên quan