Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; một số giải pháp nhằm tăng cường công tác vận động, tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị - xã hội trong tình hình hiện nay In trang
06/07/2023 03:31 CH

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề sống còn, là một trong những nhân tố quan trọng nhất, đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã nêu ra những luận điểm có tính chất chân lý: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi. Luận điểm này xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ truyền thống dân tộc, từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, của cả dân tộc chứ không phải là công việc riêng của một người, một nhóm người, cũng không phải là việc riêng của Đảng. Đảng lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới do mình làm chủ. Sự nghiệp ấy chỉ có thể thực hiện được bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công, đó là bài học xương máu, vô cùng quý báu của dân tộc ta, nhân dân ta, được rút ra từ vị ngọt của thành công, vị đắng của thất bại. Bài học ấy được củng cố và phát triển qua hàng ngàn năm đấu tranh kiên cường bất khuất của ông cha ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, tạo thành truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tấm lòng của mỗi người con đất Việt.

Đây là sự tổng kết lịch sử, nhấn mạnh vai trò của đoàn kết; không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, càng đoàn kết càng thành công, đại đoàn kết đưa đến đại thành công. Chính vì lẽ đó, đoàn kết càng phải thực hiện rộng rãi, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân và đoàn kết quốc tế. Chỉ có như thế mới thực sự là sức mạnh vô địch, là nguồn gốc của mọi thắng lợi.

Nhìn lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh ra đời 1930 cho đến nay chúng ta đều nhận thấy rằng, nhờ sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, mà dân tộc đã liên tiếp đánh thắng kẻ thù, đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, phá tan xiềng xích nô lệ của Thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật đỗ chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cũng nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tất cả một lòng vì lý tưởng cách mạng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhân dân ta thực hiện lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào” kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu trước kia sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh thắng giặc ngoại xâm, thì bây giờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh, nguồn động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi chậm do dịch bệnh và xung đột trên thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn luôn xác định rõ xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, quản lý điều hành của chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, xây dựng vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và toàn xã hội. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân trên mọi mặt của đời sống xã hội. Có cơ chế, chính sách phù hợp phát huy vai trò của các giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, củng cố vững chắc liên minh công - nông - trí. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, doanh nhân. Tạo sự đồng thuận xã hội vì mục tiêu chung xây dựng quê hương phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đồng thời, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát quần chúng, cơ sở, quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân, là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân ngày càng khăng khít, đảm bảo “ý Đảng lòng dân”. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ địa bàn dân cư.

Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nên nền kinh tế của tỉnh liên tục phát triển, tốc động tăng trưởng ổn định, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước; ngành công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh. Năng suất lao động, GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, cao hơn bình quân chung cả nước (GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 75,3 triệu đồng/người). Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt trên 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 74%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,94%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 5,65%. Tỷ lệ trường công đạt chuẩn quốc gia 82%. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả hai mùa khô và mùa mưa, nhiều xã vùng sâu, vùng xa có đường bê tông nhựa.Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (40 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 14 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu); 05/10 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn một số hạn chế như:

Chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa thành thị và vùng sâu, vùng xa còn khoảng cách lớn, phân hóa giàu nghèo trong các thành phần xã hội vẫn còn cao. Công tác nắm bắt, phản ánh, phối hợp tham mưu, chỉ đạo giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phân tích, dự báo diễn biến tình hình. Nhất là những vấn đề bức xúc, phức tạp nổi cộm liên quan đến dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, có lúc, có nơi chưa cụ thể, chính xác, kịp thời, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Mặc dù đời sống một bộ phận nhân dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng một số địa phương còn chưa đồng bộ.

Việc phát huy vai trò của chính quyền trong thực hiện chính sách đại đoàn kết có nơi, có lúc hiệu quả chưa cao. Công tác dân vận chính quyền có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân. Công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều bất cập. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức và cá nhân khi đến liên hệ công việc.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Nhất là việc cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Đảng ở địa phương có nơi còn lúng túng, bị động, chưa đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Chất lượng hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Việc quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo pháp luật còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Một số đối tượng còn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để truyền đạo trái phép, tuyên truyền, lôi kéo quần chúng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Một số giải pháp về tăng cường công tác vận động, tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị - xã hội

1. Các cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong tỉnh nâng cao
nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm
của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện tốt, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về thực hành phong cách dân vận theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân.

2. Các cấp ủy đảng trong tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định,… nhằm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, nhất là những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước liên đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

3. Chính quyền các cấp trong tỉnh nâng cao chất lượng thực hiện quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân, tạo thành sức mạnh chung để giải quyết có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là các nhiệm vụ cấp bách về giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp thu và sớm xem xét giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề liên quan đến  Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác vận động quần chúng, nhất là ở cơ sở.

4. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

- Tăng cường đổi mới tổ chức và nội dung, phương thức, nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội,
hướng mạnh về cơ sở và địa bàn khu dân cư, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, người tiêu biểu trong các tôn giáo, dân tộc làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

- Chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật Nhà nước thành chương trình, kế hoạch sát với yêu cầu nhiệm vụ, kịp
thời đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên
truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường
đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà
nước, động viên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

- Đa dạng hoá các hình thức đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân, phát huy dân chủ, tính năng động, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, cơ sở. Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm chưa tốt, khắc phục bệnh hình thức. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp, nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, nguyện
vọng của đoàn viên, hội viên và dư luận xã hội để phản ánh kịp thời với cấp ủy
đảng, chính quyền; theo dõi, giám sát việc chính quyền các cấp giải quyết các kiến
nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp tham gia vận động, giải
quyết tốt các vấn đề, vụ việc phát sinh từ cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh chính trị,
trật tự, an toàn xã hội.

- Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, hội viên. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ đoàn viên, hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tư vấn giới thiệu việc làm, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do đoàn viên, hội viên làm chủ. Tổ chức cho quần chúng tham quan, học tập những mô hình kinh tế có hiệu quả để tạo lòng tin của quần chúng đối với tổ chức đoàn, hội và tự nguyện tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; tổ chức phát động, vận động nhân dân thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác, học tập, lao động, sản xuất; vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa để kịp thời giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ Nhân dân, khắc phục khó khăn, khôi phục phát triển kinh tế.

- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tôn giáo và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của tôn giáo. Thực hiện quyền bình đẳng, tự do tín ngưỡng của nhân dân; xây dựng các tôn giáo gắn bó, đồng hành với dân tộc; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước “sống tốt đời đẹp đạo”. Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Văn Chín

Lượt xem: 1.580