Kết quả công tác Dân vận thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025 (Phần cuối) In trang
05/06/2023 08:59 SA

1. Công tác dân vận trong vùng đồng bào tôn giáo

Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo; làm cho chức sắc, chức việc đồng thuận, gắn bó với chính quyền địa phương. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, an ninh, các lớp bồi dưỡng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, chức việc và người đại diện Ban quản lý các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn. Chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; Đại hội Ban đoàn kết Công giáo các huyện, thành phố, Đại hội Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, nhiệm kỳ 2022 - 2027; Đại hội các hệ phái Tin Lành, Cao Đài; cho chủ trương giải quyết một số vấn đề liên quan đến tôn giáo. Tổ chức đoàn Lãnh đạo của tỉnh đến thăm, chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân các ngày lễ trọng. Báo cáo sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo. Kịp thời tham mưu giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tôn giáo theo đúng quy định của Pháp luật.

Vận động các tổ chức tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào như: Bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng Mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Mô hình tự quản”, “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, mô hình giáo xứ “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, mô hình “Công viên nghĩa trang”... Từ đó, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương, cơ sở. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho xây dựng, phát triển địa phương, đất nước. Các tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa, giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo. Tích cực huy động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp kinh phí để tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xây dựng nhà tình thương; tổ chức các đoàn cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt; tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ công tác phòng, chống Covid…

2. Công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16/NQ/TU ngày 03/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030 gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 07-KL/TW ngày 20/6/2011 của Ban Bí “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 62-CT/TW ngày 8/11/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới”; tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW, ngày 08/11/1995 của Ban Bí thư về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới; báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ me trong tình hình mới. Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 08/10/2018 của Tỉnh ủy về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại huyện Đam Rông, Di Linh.

Các chương trình, chính sách dân tộc, dự án đầu tư, hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp uỷ, chính quyền các địa phương chủ động triển khai. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác vận động các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán không còn phù hợp, phá rừng làm rẫy và trở về làng cũ. Đồng thời, xây dựng và phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tạo nguồn để phát triển đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền

Công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Lâm Đồng đạt kết quả tích cực. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp lựa chọn các vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc ở địa phương để tổ chức giám sát. Quá trình giám sát, bám sát các hình thức, quy trình giám sát, nghiên cứu, đánh giá, phản ánh, kiến nghị những mặt ưu điểm để tiếp tục phát huy, những vấn đề còn hạn chế để kiến nghị khắc phục. Cùng với các hoạt động giám sát độc lập, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của các tổ chức thành viên và các cơ quan, ban, ngành ở địa phương.

          Từ năm 2020 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức thực hiện được 734 cuộc giám sát . Các nội dung giám sát được tiến hành tập trung vào việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp huyện; về công tác quản lý, bảo vệ rừng; giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện chế độ chính sách người người lao động; việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân… Qua giám sát đã phát hiện kịp thời những sai sót, tồn tại, hạn chế trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định. Đồng thời, phát hiện những điểm chưa phù hợp để đề xuất giải quyết. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, củng cổ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

          Cùng với việc giám sát, hoạt động phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền từng bước được triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức phản biện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên. Công tác phản biện được thực hiện qua các hội nghị góp ý kiến; tổng hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và xây dựng văn bản phản biện gửi tới các cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhiều ý kiến phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, kiến nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

          MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, qua hòm thư đặt tại các trụ sở, nơi làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực.

          4. Phong trào thi đua “dân vận khéo”

Phong trào thi đua “dân vận khéo” tiếp tục được triển khai linh hoạt, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua Dân vận khéo, giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng thực hiện chuyên mục “dân vận khéo” trên sóng phát thanh truyền hình Lâm Đồng, và duy trì chuyên trang “dân vận khéo” trên các số báo Lâm Đồng. Trong đó, chú trọng xây dựng các phóng sự, bài viết về các điển hình tiêu biểu trong phong trào “dân vận khéo” gắn với các chủ đề, nội dung có tính thời sự, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị tạo được sự thu hút, hiệu ứng lan tỏa tốt trong nhân dân về phong trào. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU về xây dựng, công nhận mô hình và tuyên dương, khen thưởng điển hình “dân vận khéo” giai đoạn 2022 - 2025. Tổ chức các hội nghị tập huấn về Công tác dân vận tham gia xây dựng nông thôn mới tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng  đã tổng hợp đề xuất tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 24 điển hình “dân vận khéo” tiêu biểu.

5. Công tác phối hợp giữa Ban Dân vận với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh

Ngay đầu nhiệm kỳ, sau khi có các chương trình phối hợp của Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ động phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổng kết quy chế phối hợp, chương trình phối giai đoạn trước, ký kết các chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026. Phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp Bồi dưỡng công tác dân vận cho cán bộ, công chức làm công tác dân vận, phụ trách công tác dân vận tại các cơ quan, địa phương, đơn vị. Việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận với các cơ quan, đơn vị được triển khai đồng bộ, toàn diện, sát chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, phù hợp thực tiễn của các cơ quan, đơn vị và địa phương. Trên cơ sở các chương trình phối hợp ở cấp tỉnh Ban Dân vận các huyện, thành ủy triển khai ký kết các chương trình phối hợp và chỉ đạo thực hiện đến cơ sở.

Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị -xã hội tỉnh (gọi tắt Ban Chỉ đạo 502 tỉnh), Ban Dân vận Tỉnh ủy đã làm cầu nối phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, hướng hoạt động về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công đợt công tác dân vận tập trung tại các địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình “Ngày thứ bảy cùng nhân dân”. Qua triển khai tổ chức các đợt công tác dân vận tập trung đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của NHà nước; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng xã hội đồng thuận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới.

Với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động, phối hợp vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân nhằm giúp hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

Lượt xem: 821