Công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Lâm Hà là nhiệm vụ chính trị quan trọng In trang
31/07/2023 02:16 CH

 

Những năm qua thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện cải cách hành chính, huyện Lâm Hà đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai thực hiện các nội dung về công tác cải cách hành chính như: Chương trình hành động số 34-CTr/HU, ngày 19/7/2022 thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 25/5/2022 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 4530/QĐ-UBND, ngày 14/9/2022 về kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Lâm Hà; Quyết định 5939/QĐ-UBND, ngày 22/11/2022 về kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2021 – 2025. Hằng năm, ban hành kế hoạch cải cách hành chính; các văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh một số nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, rà soát danh sách thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, năm 2022 chỉ số cải cách hành chính huyện Lâm Hà có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ số 87,23% (cao hơn chỉ số bình quân cấp huyện 1,46%), xếp vị trí thứ 4/12 huyện, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2021 (năm 2021 xếp vị trí thứ 12/12 huyện, thành phố). Đạt được kết quả đó là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, song cũng đặt ra thách thức đối với công tác CCHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Khu vực tiếp nhận và trả kết quả
Khu vực tiếp nhận và trả kết quả

Ngay từ đầu năm, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn toàn huyện đã đẩy mạnh triển khai tuyên truyền cải cách hành chính bằng nhiều hình thức, như: Niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và UBND các xã, thị trấn; đăng tải toàn bộ thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của huyện, một cửa điện tử Lâm Đồng; niêm yết thông báo địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, số điện thoại đường dây nóng tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện công khai thủ tục hành chính ngay sau khi có quyết định công bố của UBND tỉnh, các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, của UBND cấp xã đã được công khai đầy đủ, đúng quy định tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị mình và công khai trên trang thông tin điện tử của huyện, hệ thống thông tin Một cửa điện tử đối với toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND huyện, UBND cấp xã. Thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, UBND huyện đã triển khai cho các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đính kèm file trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. Hàng tuần, thống kê, đôn đốc việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lâm Hà. Hàng tháng, ban hành văn bản công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn; áp dụng quy định đơn vị, địa phương nào có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn từ 5% đến 10% thì bị phê bình và bị phê bình 3 lần trở lên bị xem xét kỷ luật theo quy định, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính giải quyết trễ hẹn từ 10% trở lên thì bị xem xét kỷ luật theo quy định… Qua đó việc giải quyết thủ tục hành chính đã có chuyển biến rất tích cực. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Năm 2022, toàn huyện đã tiếp nhận 60.615 hồ sơ, tồn kỳ trước chuyển qua 358 hồ sơ. Đã giải quyết 60.098 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 59.376 hồ sơ, giải quyết trễ hạn 722 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,80%. Số hồ sơ đang giải quyết 875 hồ sơ, trong hạn 709 hồ sơ, quá hạn giải quyết 166 hồ sơ; 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã tiếp nhận 33.691 hồ sơ, tồn kỳ trước chuyển qua 875 hồ sơ. Đã giải quyết 33.234 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 32.842 hồ sơ, giải quyết trễ hạn 392 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,82%. Số hồ sơ đang giải quyết 457 hồ sơ, trong hạn 451 hồ sơ, quá hạn đang giải quyết 06 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn huyện đạt 99%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến toàn huyện đạt 81,08%; tỷ lệ hồ sơ chứng thực điện tử đạt 40%; tỷ lệ số hóa hồ sơ tại cấp huyện đạt 100%, cấp xã 74,6%...

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện nhận hồ sơ TTHC của nhân dân
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện nhận hồ sơ TTHC của nhân dân

Tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử tại UBND huyện và UBND 16/16 xã, thị trấn cơ bản đầy đủ đáp ứng yêu cầu. Chỉ đạo phân công cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện gồm 01 Trưởng Bộ phận, 01 Phó trưởng Bộ phận và 09 thành viên do các cơ quan đơn vị cử tới; tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã làm Trưởng Bộ phận, thành viên gồm 5-7 người do công chức chuyên môn của các cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ.

Ngoài ra, việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số cũng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn đã thường xuyên, tích cực ứng dụng mail công vụ trong trao đổi, xử lý công việc, lưu trữ hồ sơ. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện tới cấp xã với hơn 400 tài khoản sử dụng và kết nối liên thông gửi nhận văn bản điện tử đảm bảo thông suốt, việc trao đổi chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ. Duy trì thực hiện sử dụng chứng thư số các cá nhân, cơ quan, đơn vị, đồng thời đề nghị cấp mới chứng thư số cho cá nhân Lãnh đạo các đơn vị, UBND các xã, thị trấn và quán triệt thực hiện ký số văn bản. Kết quả tỷ lệ văn bản ký số đạt trên 90%...

Huyện đã quan tâm, tăng cường tổ chức kiểm tra về công tác cải cách hành chính kết hợp với kiểm tra công tác Nội vụ, kiểm tra đánh giá ISO, kiểm tra cải cách thủ tục hành chính. Năm 2022, kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ hành chính đối với 100% đơn vị xã, thị trấn và thực hiện đánh giá nội bộ đối với 100% phòng, ban chuyên môn của UBND huyện. Chỉ đạo các tổ kiểm tra công vụ của UBND huyện thường xuyên thực hiện kiểm tra đột xuất một số các nội dung liên quan đến công vụ, công chức, chấp hành nội quy, quy chế làm việc, việc giải quyết thủ tục hành chính…của cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, văn bản xử lý vi phạm hành chính, giải quyết hồ sơ hành chính, theo dõi thi hành pháp luật duy trì và nâng cao chất lượng các xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chú trọng việc kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thực hiện lấy ý kiến tổ chức, người dân về giải quyết thủ tục hành chính thông qua phiếu lấy ý kiến tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, thông qua tiếp công dân, hòm thư góp ý…

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, đó là:

Chỉ số cải cách hành chính của huyện đạt thấp, giảm cả về thứ hạng và chỉ số. Hoạt động rà soát, đánh giá thủ tục hành chính chưa có hiệu quả, việc phát hiện các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính và chủ động kiến nghị sửa đổi còn chậm, chưa thường xuyên. Còn tình trạng hồ sơ trễ hạn, nhất là những thủ tục lĩnh vực đất đai. Việc phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (toàn trình) và dịch vụ bưu chính công ích vẫn còn thấp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, phong cách làm việc chậm đổi mới, chưa nêu cao ý thức phục vụ nhân dân. Việc vận dụng ứng dụng các phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin đã thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn còn chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên trong hoạt động công việc (phần mềm Ioffice, mail công vụ, chữ ký số…).

Người dân vẫn chưa quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc giải quyết thủ tục hành chính vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế. Việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa cao do tâm lý muốn gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Đối với cơ quan nhà nước nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin cấp xã chưa có nên việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện công tác cải cách hành chính, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt và ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về cải cách hành chính, chuyển đổi số của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhất là việc sử dụng dịch vụ tiếp nhận và trả hồ sơ qua dịch vụ công ích, dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Mở rộng việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính (tiếp nhận trực tiếp, qua điện thoại đường dây nóng, qua địa chỉ email, qua hệ thống ứng dụng trực tuyến...) nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Hai là, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp trên về thực hiện các nhiệm vụ cải cách thể chế theo quy định. Nâng cao hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử của cả cấp huyện, cấp xã; thực hiện đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết hồ sơ, giảm tình trạng trễ hẹn.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng để kịp thời hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.

 

(Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”)

 

                                                                                       BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY

Lượt xem: 791