Thực trạng công tác dân vận tham gia đền bù, giải phóng mặt bằng thời gian qua ở huyện Đức Trọng; kinh nghiệm và một số giải pháp In trang
26/03/2024 03:42 CH

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Trọng lần thứ XIII, sớm đưa huyện Đức Trọng trở thành thị xã. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua, Đức Trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhiều công trình phát triển giao thông, hạ tầng cơ sở có nhiều chuyển biến góp phần thay đổi diện mạo đô thị và xây dựng nông thôn mới của huyện Đức Trọng.

Để có mặt bằng sạch thực hiện các công trình, dự án thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu khởi đầu quan trọng góp phần thực hiện thành công các công trình, dự án. Và để làm được điều đó thì việc đầu tiên phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân về mục đích, yêu cầu của các công trình dự án. Từ đó, Nhân dân chấp nhận tái định canh, nhận đền bù và bàn giao mặt bằng cho nhà nước thực hiện. Kết quả của những công trình hiện hữu, đã khẳng định Đức Trọng cơ bản làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua. Đạt được kết quả đó là nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc thực hiện công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện trên địa bàn.

Huyện ủy, UBND huyện luôn lãnh đạo chỉ đạo sát nhiệm vụ, xem đây là một trong những khâu quan trọng và quyết định, mỗi công trình dự án đều thành lập các Ban tuyên truyền, vận động, các tổ tuyên truyền, vận động, trực tiếp thăm nắm và chỉ đạo thăm nắm tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là người dân trong vùng dự án có đất đai bị thu hồi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong quá trình giải phóng mặt bằng. Phát huy hiệu quả vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động. Đa số người dân hiểu rõ lợi ích của các dự án nên đã tích cực hưởng ứng, đồng thuận bàn giao mặt bằng và phần lớn các công trình đều bảo đảm đúng tiến độ thi công, nhất là các công trình đường giao thông.  

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, công tác đền bù giải phóng mặt bằng tiến hành gặp nhiều vướng mắc do việc phân định đất đai, tài sản và giá cả, quy trình chưa đảm bảo, việc công khai quy hoạch, bố trí đất tái định canh còn nhiều khó khăn do địa phương thiếu quỹ đất công, chưa đảm bảo, dẫn đến khó khăn trong công tác vận động tuyên truyền. Việc phản ứng thái quá, không đồng tình của người dân có đất bị thu hồi như: dự án Hồ chứa nước Ta Hoét (đây là dự án mà vướng nhiều vấn đề nhất ở Đức Trọng trong nhiều năm qua, mà đến thời điểm này huyện đang hoàn tất diện tích tái định canh để hoán đổi cho dân để triển khai dự án); tình hình đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở một vài nơi trong nhiều năm vẫn còn diễn biến phức tạp (dự án lô 90)…

Qua mỗi công trình dự án ở đa phương, là qua mỗi đợt vận động tuyên truyền giải phóng mặt bằng. Từ nhiều kết quả thực hiện các công trình dự án trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Chúng ta có thể nhận thấy đền bù, giải phóng mặt bằng là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Thực tế cho thấy hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện giải phóng mặt bằng đều có những khó khăn, vướng mắc như: Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường... Mặt khác, khi có thay đổi về chính sách, đơn giá bồi thường, dẫn đến có sự so sánh, khiếu nại về chính sách cũ và mới làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa cao, gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.

Trước thực trạng đó, cũng như rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án, công trình (cả thuận lợi và khó khăn), Đức Trọng luôn xác định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong vận động Nhân dân đồng thuận thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, đưa chính sách bồi thường đến với người dân trong sự đồng thuận, hạn chế phát sinh các điểm nóng trong xã hội.

Thời gian tới trên địa bàn huyện Đức Trọng đang và sẽ triển khai 7 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Dự án Khu du lịch hồ Đại Ninh; Dự án Khu công nghiệp Phú Bình; Dự án Khu đô thị Liên Khương – Prenn; Dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim; Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét; Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 và 28B). Có 06 dự án, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đức Trọng lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 (Dự án khu Trung tâm hành chính gắn với quảng trường trung tâm huyện; hoàn thành nhà máy xử lý rác thải, đóng cửa bãi rác P’re xã Phú Hội; đầu tư hệ thống nước thải đô thị; hoàn thành công trình điện chiếu sáng, vỉa hè dọc Quốc lộ 20 (đoạn còn lại thuộc xã Hiệp An, Ninh Gia); triển khai 20 dự án công viên thuộc thị trấn và các xã theo đề án công viên cây xanh; thu hút đầu tư các dự án công viên nghĩa trang, bệnh viện, trường học chuẩn quốc tế, cấp nước sinh hoạt; các trung tâm thương mại; bến xe trung tâm huyện) và nhiều công trình giao thông nông thôn...

 Đây là những dự án, công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự phát triển hiện tại cũng như lâu dài của huyện. Với tầm quan trọng đó, khi triển khai thi công, xây dựng dự án phải được đa số các hộ dân có đất thuộc diện phải thu hồi đều đồng tình ủng hộ, chấp hành việc thu hồi đất. Trong thời gian tới, huyện Đức Trọng cần phải rút ra bài học kinh nghiệm đề ra một số giải pháp để thực hiện có kết quả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho việc triển khai thực hiện các công trình dự án trên địa bàn:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành quyết định thu hồi đất phục vụ dự án, Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQVN huyện , các tổ chức chính trị - xã hội, các thành viên của UBND huyện tham gia dự án thành lập Tổ tuyên truyền, vận động với thành viên là Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện lãnh đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện, cùng với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn đến từng hộ gia đình để giải thích, thông tin kế hoạch triển khai dự án, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của các gia đình. Qua gặp gỡ, vận động còn tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của dự án với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hướng dẫn, giải thích các chế độ chính sách của nhà nước liên quan đến các nội dung kiến nghị của các hộ dân; đồng thời vận động các hộ gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thuận ủng hộ dự án, nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, tránh việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất.

Hai là, nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc Quy định công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đấu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bắng, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 14/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, chú ý đến trường hợp: Nếu là đất của đồng bào dân tộc thiểu số đang canh tác, đất mồ mã, đất tôn giáo, đất di tích Lịch sử… thì phải tách ra khỏi vùng dụ án; nếu do tính chất, quy mô, tính đặc thù của dự án không thể tách ra được thì chủ dự án phải phối hợp với chính quyền địa phương họp dân để thỏa thuận, thống nhất phương án xử lý diện tích đất trên, nếp không có sự đồng tình nhất trí của đại bộ phận nhân dân thì chưa được triển khai thực hiện.

Ba là, tại các địa phương trong toàn huyện, mỗi cán bộ, đảng viên trong vùng có dự án đi qua thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, tổ chức triển khai công tác GPMB, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác dân vận, trực tiếp xuống từng thôn, từng tổ dân phố; từng nhà để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường, GPMB. Trong đó, xác định chia nhóm đối tượng như: Nhóm có gia đình người thân là đảng viên; nhóm cán bộ, công nhân, viên chức, nhóm gia đình có đoàn viên thanh niên, dân tộc, tôn giáo... để có hình thức vận động phù hợp.

Bốn là, bên cạnh tuyên truyền, vận động thì nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân trong vùng dự án, tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nắm dư luận xã hội; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện, kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng những bất cập liên quan đến giá bồi thường, GPMB các dự án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Với phương châm “Luôn gần dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, giải quyết công việc hài hòa, hợp lý, thấu tình đạt lý”. Nhất quán quan điểm này kết hợp với thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, giải quyết kịp thời những vướng mắc, hạn chế ở cơ sở trong GPMB.

Năm là, đối với những dự án có nhiều hộ dân trong khu có đất thuộc diện cần GPMB để thực hiện dự án, diện tích đất tuy không nhiều nhưng là đất sản xuất, nhà ở lâu năm đã gắn liền với cuộc sống của người dân. Do đó, việc xác định ranh giới đất đai, vận động thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, tổ công tác dân vận, cán bộ ở cơ sở, cán bộ khu dân cư cần gặp gỡ từng hộ dân, lắng nghe để giải quyết mọi ý kiến vướng mắc, để tạo được sự đồng thuận của các hộ dân đồng tình ủng hộ phương án bồi thường, GPMB để thực hiện dự án. Từ đó, công tác GPMB các công trình dự án tiến hành sẽ thuận lợi, đúng tiến độ.

Có thể khẳng định, Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm ở Đức Trọng thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chính sách, giá đền bù, các thế lực thù địch lợi dụng kích động xúi dục…nhưng với tinh thần quyết tâm cao vì sự phát triển bền vững của địa phương, sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, huyện Đức Trọng đã hoàn thành nhiều công trình dự án đưa vào sử dụng có hiệu quả. Thời gian tới, Đức Trọng còn có nhiều công trình, dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai, cần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở trong công tác đền bù GPMB, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tin tưởng rằng các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục được triển khai thuận lợi, tạo sự phát triển đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

                                                                                                   Tư Lê

Lượt xem: 1.031
Liên quan