Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; một số giải pháp nhằm thực hiện tốt dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng In trang
07/08/2023 02:06 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, di sản tư tưởng của Người được thể hiện sinh động với những nội dung khác nhau, trong đó vấn đề dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được Người đặc biệt quan tâm, bởi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả cũng vì tự do, dân chủ và tiến bộ con người.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm về dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Trong suốt quá hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đến việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Theo Người, quyền dân chủ được thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội…, mà hạt nhân là quyền con người, quyền công dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị  - xã hội, thể chế chính trị dân chủ phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhân dân là người có quyền quyết định vận mệnh của quốc gia - dân tộc.

Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ là thành quả chứa đựng giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân”. Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Nhân dân làm chủ là mục đích, đồng thời là động lực của cách mạng. Làm chủ là quyền thiêng liêng của Nhân dân không ai có thể xâm phạm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải xuất phát từ lợi ích của dân. Mọi cán bộ nhà nước đều vì dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Một nhà nước vì dân phải đảm bảo cho dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân là làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Theo Bác: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới biết làm thầy học dân”. Người nhắc nhở, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta; đồng thời phải làm cho nhân dân hiểu rõ: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”.

Trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước. Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện ở bốn mặt gắn bó mật thiết với nhau: Bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nắm vững dân tâm. Bốn mặt đó là thước đo trình độ làm chủ của Nhân dân.

2. Quan điểm của Đảng về dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng đó là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Để đáp ứng yêu cầu mở rộng dân chủ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đại hội VI (12/1986) của Đảng mở đầu công cuộc đổi mới đã đề ra phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và đúc kết bài học kinh nghiệm: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”. Điều 3 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”. Kế thừa và phát triển những quan điểm đó, Đại hội XIII của  Đảng xác định “thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, “phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới” là một trong những điều kiện cần thiết và quan trọng, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới đất nước trong thời gian tới. Vì thế cần “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”.

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các tổ chức đảng và các cấp chính quyền cần phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước từng bước thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích của dân, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong Nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi, hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho Nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với Nhân dân, mà còn phải biết tập hợp Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo Nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo; góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Kết quả thực hiện Dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua

Trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định, phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được đảm bảo và nâng cao.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đã làm chuyển biến cả về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung hoạt động, phối hợp tốt với chính quyền phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu. Kết quả thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã giúp người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền, trách nhiệm trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, trong sạch, vững mạnh. Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc tiếp tục được quan tâm, đảm bảo ổn định đời sống người lao động, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp...

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, dân chủ trong Đảng, trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng được phát huy góp phần quan trọng hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, các văn bản hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự sâu rộng.

- Việc niêm yết, công khai các nội dung để dân biết theo quy định của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu cụ thể nên chưa tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận thông tin; việc tập hợp đoàn viên, hội viên ở cơ sở còn khó khăn, tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt ở khu dân cư còn thấp.

- Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ở một số địa phương, cơ sở còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ ở một số nơi còn hạn chế, mang tính hình thức.

- Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhận thức về thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa thật sự sâu sắc. Cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả cao. Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ còn sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân.

- Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn hình thức, tổ chức các hoạt động giám sát còn lúng túng.

- Vai trò của công đoàn các cấp có lúc, có nơi còn hạn chế nên tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, trốn đóng thuế, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn diễn ra một số nơi, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của một số đoàn viên, người lao động.

4. Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt Dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương, Quốc hội và của Chính phủ về thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở để không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ. Những vấn đề “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” phải được cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc trên mọi lĩnh vực của đời sống. Mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đi đôi với giữ gìn kỷ cương, trật tự.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, kết hợp thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, đưa nội dung này vào để xét tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh hàng năm.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức và hoạt động của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày càng sát dân, tôn trọng ý kiến của nhân dân với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoạt động giám sát. Kịp thời giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân tránh để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài gây “điểm nóng”.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc đẩy mạnh thực hiện DCCS. Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân, xem đây là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ ở xã, phường, thị trấn. Tạo cơ chế và bố trí kinh phí phù hợp để Ban TTND và Ban GSĐTCĐ triển khai thực hiện đúng và đầy đủ chức năng giám sát của mình theo quy định của pháp luật. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở cơ quan, đơn vị.

Sáu là, xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực xã hội và sức dân, đảm bảo dân chủ, tôn trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về thông báo, công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung phải lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung nhân dân giám sát…, đưa các nội dung này đến với từng khu dân cư nhằm đảm bảo quyền dân chủ thực sự của người dân, làm cơ sở phát huy sự tham gia của nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bảy là, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp đủ số lượng, nâng cao chất lượng. Gắn trách nhiệm của từng cá nhân được phân công phụ trách với từng địa phương, đơn vị. Tăng cường tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở các loại hình.

Tám là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, chú trọng những ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thực hiện kiểm ra đột xuất, kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực; đề cao việc tự kiểm tra của các địa phương, cơ quan, đơn vị; kịp thời chấn chỉnh sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

QT

Lượt xem: 134