Công tác vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” gắn với phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo định hướng công dân số, xã hội số In trang
26/03/2024 10:32 SA

Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” từ lâu đã trở thành một trong ba phong trào hành động cách mạng trọng tâm của tổ chức Đoàn thanh niên. Phong trào luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đồng hành của cấp ủy, chính quyền và hưởng ứng tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên, qua đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các bạn trẻ tài năng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Trong những năm qua, Tuổi trẻ Lâm Đồng luôn nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch và nội dung hoạt động tạo điều kiện để thanh niên phát huy tinh thần sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong công tác phục vụ nhân dân; trong sinh hoạt hằng ngày, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên trong phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo định hướng công dân số và xã hội số.

Có thể kể đến như: Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi về thế mạnh, tiềm năng sáng tạo của thanh niên Lâm Đồng. Tầm quan trọng của sáng tạo, đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của bản thân thanh thiếu nhi. Thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ trong đóng góp cho sự phát triển địa phương, đơn vị. Chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức các diễn đàn chuyên đề cung cấp thông tin khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh thiếu niên. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các gương đoàn viên, thanh niên điển hình, các mô hình hiệu quả trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhằm động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên xung kích đi đầu trong việc nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phát động mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên tham gia hưởng ứng có hiệu quả phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” nhằm khuyến khích đoàn viên, thanh niên trên các lĩnh vực, địa bàn khác nhau (thanh niên nông thôn, đô thị, cán bộ công nhân viên chức, công nhân…) ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng số, đảm nhận thực hiện các đề tài nghiên cứu, sáng tạo nhiều trang thiết bị kỹ thuật, sản phẩm mới, cách làm hay đem lại hiệu quả kinh tế cao (như: mô hình VietPorics Control System - Hệ thống kiểm soát VietPorics do anh Nguyễn Đức Huy Giám đốc HTX Thủy canh Việt nghiên cứu, thiết lập dựa trên cơ sở thu thập dữ liệu sinh trưởng, phát triển và các yếu tố môi trường tác động tới các loại cây trồng).

Thường xuyên phối hợp với Liên Hiệp hội Khoa học và kỹ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt định kỳ hàng năm tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng”, Hội thi “Tin học trẻ”, Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật”, Cuộc thi “Lập trình và điều khiển Robot”. Qua đó, tạo thêm điều kiện thúc đẩy, khơi dậy tiềm năng, ý tưởng sáng tạo trong thanh thiếu niên nhi đồng, tạo sân chơi sôi nổi về lĩnh vực khoa học công nghệ và ngày càng thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên tham gia với nhiều sản phẩm, giải pháp sáng tạo có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức hoặc chỉ đạo tổ chức các Ngày hội STEM, Sân chơi STEM từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh với nhiều hoạt động giao lưu, trải nghiệm, thi đấu phong phú góp phần trang bị cho học sinh, thanh niên các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer), toán học (Math).

Tập trung tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số cho đoàn viên, hội viên, thanh niên nhằm đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ, ứng dụng số vào sản xuất và đời sống. Đa dạng hóa các hoạt động, phổ biến kiến thức, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cụ thể: Từ năm 2021 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức được trên 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hơn 15 lớp tập huấn chuyên đề về các kiến thức khoa học kỹ thuật; 12 buổi trưng bày giới thiệu sản phẩm khoa học và công nghệ… nhờ đó thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia. Đối với Tỉnh Đoàn Lâm Đồng duy trình 03 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia chuyển đổi khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh (trung bình hằng năm tổ chức ít nhất 06 đợt chuyển giao khoa học kỹ thuật).

Định kỳ hằng năm, tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong thanh niên, đến nay đã thu hút sự tham gia của hơn 340 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và ngày càng được mở rộng. Qua các lần tổ chức, Tỉnh đoàn đã giới thiệu nhiều ý tưởng, mô hình dự án khởi nghiệp xuất sắc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, khu vực và Trung ương. Sau khi đã tìm kiếm và phát hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, ứng với từng nhu cầu, nguyện vọng của ý tưởng, dự án khởi nghiệp cụ thể, Tỉnh đoàn đã xây dựng các hoạt động, chương trình hỗ trợ cho các bạn thanh niên khởi nghiệp như: Hỗ trợ trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; các hoạt động trưng bày, xúc tiến thương mại sản phẩm; xây dựng ấn phẩm các sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu; các chương trình hỗ trợ vốn (Chương trình vay vốn nghề nghiệp việc làm; Đề án Chính sách tín dụng dành cho thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quỹ khoa học và công nghệ)… Đến nay, đã có rất nhiều dự án khởi nghiệp đã vươn lên và phát triển bền vững. Đơn cử như dự án Gaco (các sản phẩm chuyên về nấm) và dự án Hana Đà Lạt (các sản phẩm nông nghiệp chế biến kết hợp xây dựng chuỗi giá trị), mô hình sầu riêng cấp đông của anh Lưu Hoàng Tuấn đã góp phần xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng Đạ Huoai hay mô hình của anh Nguyễn Đăng Thiên Phi Long cung cấp giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm từ xơ dừa phục vụ nông nghiệp đô thị trong nước và xuất khẩu đã giúp anh có doanh thu cao.

Đặc biệt, trong năm 2023 với chủ đề công tác Đoàn là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”. Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn các huyện. Đến nay, đã triển khai tập huấn cho 2.649 học viên; đào tạo về chuyển đổi số cho 700 học viên khác trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị triển khai, kiện toàn Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Hiện nay, đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng đơn vị cấp xã 142/142 tổ (đạt 100%), đối với tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố 11/12 huyện, thành phố đã kiện toàn với khoảng 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng với lực lượng chủ yếu là học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên các cấp.

Chỉ đạo thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cũng như hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của các địa phương, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, tổ chức các đội hình lưu động tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tại nhà người dân để hướng dẫn, hỗ trợ người dân truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh và huyện, thành phố...

Triển khai chương trình Mùa hè số nhằm phát huy vai trò của sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng số, nâng cao năng lực, phổ cập tin học tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tạo cơ hội tiếp cận kiến thức và kỹ năng về công nghệ, an toàn trực tuyến cho thanh, thiếu nhi nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cùng 100 chiếc máy tính xách tay được hỗ trợ, trong thời gian từ ngày 15 - 26/7, các đội trí thức trẻ tình nguyện đã trực tiếp tham gia nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu nhi và người dân tại xã Sơn Điền với hoạt động: Tổ chức các lớp học hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, ứng dụng phần mềm và khai thác internet; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Các em học sinh được làm quen với máy tính, gõ văn bản và thực hành kỹ năng lập trình cơ bản thông qua ứng dụng Scratch và một số bài tập đơn giản.

Có thể nói, các chương trình, phong trào hành động của Đoàn đã thể hiện rõ nét vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong công tác vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện phong trào Tuổi trẻ sáng tạo gắn với phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo định hướng công dân số, xã hội số, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Vẫn còn ít mô hình có chiều sâu trong phong trào nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của đông đảo thanh niên. Một số cơ sở đoàn chưa thật sự quan tâm đầu tư đối với phong trào tuổi trẻ sáng tạo. Các không gian, hoạt động để tạo môi trường cho thanh niên phát triển tư duy sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn chưa thường xuyên, liên tục. Một bộ phận thanh niên thiếu quyết tâm phấn đấu vươn lên, ý chí phấn đấu không cao, chưa tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức…

Để tiếp tục phát huy hiệu quả những kết quả đạt được và khắc phục các vấn đề còn tồn tại trong triển khai phong trào, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chương trình chuyển đổi số; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về đẩy mạnh chuyển đổi số, trọng tâm là Nghị quyết số 12- NQ/TW ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5731/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung nâng cao nhận thức của các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thứ hai, Các cấp bộ Đoàn cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với địa phương, đơn vị của mình và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” gắn với phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo định hướng công dân số, xã hội số. Đặc biệt là chú trọng công tác tuyên truyền trực quan sinh động, đồng bộ từ các ngành, các cấp, các địa phương. Khuyến khích xây dựng các mô hình sáng tạo khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, các câu lạc bộ, đội, nhóm sáng kiến trẻ, biến các hoạt động lao động sáng tạo đơn lẻ của các cá nhân, đơn vị thành một phong trào lớn, cuốn hút với sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên, công nhân, viên chức và các lao động trẻ vào phong trào này. Kịp thời khen thưởng, động viên các hoạt động, cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ba là, Thường xuyên tổ chức các hoạt động phát triển tư duy sáng tạo, ứng dung công nghệ, chuyển đổi số như: Hội thi “Tin học trẻ”, Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo”… trong đoàn viên thanh niên; cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng” và hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các ban, ngành tổ chức theo định kỳ. Đặc biệt có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư hiệu quả để đưa các sáng kiến từ lý thuyết vào trong ứng dụng thực tiễn.

Năm là, Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, chuyển đổi số cho đoàn viên, thanh niên. Phối hợp tham mưu đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ công nghệ thông tin về chuyển đổi số để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu chuyển đổi số. Triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân. Thu hút, tập hợp sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong công tác chuyển đổi số; ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số; sẵn sàng tiên phong thử nghiệm các giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị.

Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, dân tộc và tôn giáo

Lượt xem: 1.385