Nhìn lại kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng In trang
31/05/2022 09:26 SA

 

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 9.774 km2; có 12 đơn vị hành chính cấp huyện; 142 đơn vị hành chính cấp xã; 1.376 thôn, tổ dân phố; dân số 1.321.839 người (trong đó, có 656,161 nữ chiếm 49.64%, số nữ trong độ tuổi lao động 383.142/798.547, chiếm 47,98%). Toàn tỉnh có 14 hội phụ nữ cấp huyện và tương đương, 157 hội phụ nữ cấp cơ sở, 1.376 chi hội phụ nữ và 3.576 tổ phụ nữ với hơn 167.000 hội viên (tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội đạt trên 81%).

Sau khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 06/11/2007 để triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh. Ngày 06/02/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 2612-CV/TU về triển khai thực hiện Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Ngày 28/3/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 2405-CV/TU để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, nhận thức các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được chuyển biến tích cực và nâng lên rõ rệt. Vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định; đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng cao.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc cho phụ nữ được quan tâm, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc của tỉnh. Hàng năm, số lượt người được được giải quyết việc làm giao động từ 28.000 đến 30.000 lao động (trong đó, nữ chiếm khoảng 45-47%); tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 chiếm 31,4% đến giai đoạn 2016-2020 tăng lên 33,2%.

Trong lĩnh vực giáo dục, lao động nữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đội ngũ cán bộ nữ trong ngành giáo dục tỉnh nhà đã vươn lên khẳng định vị thế của mình và dành nhiều kết quả quan trọng. Ngành Y tế phối hợp với Hội LHPN tổ chức các đợt tập huấn tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ.

Trong hoạt động giám sát, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và Quyết định 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội đã giám sát, phối hợp giám sát được 1.131 lượt chính sách liên quan đến tổ chức Hội, phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, an sinh xã hội... Tham gia góp ý 1.282 dự thảo văn bản có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh từng bước tăng lên về số lượng và chất lượng. Hiện nay cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh là 19.613/29.698 CBCCVC (chiếm 66,0%).

Công tác quy hoạch cán bộ nữ được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Trong 03 nhiệm kỳ từ năm 2010-2025, Quy hoạch nữ Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh lần lượt là 11/92 (12,0%), 27/90 (30,0%) và 12/64 (18,8%); Quy hoạch nữ Ban Thường vụ tỉnh lần lượt là 2/26 (7,7%), 5/24 (20,8%) và 3/18 (16,7%); Quy hoạch nữ Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện lần lượt là 177/1.066 (16,6%), 227/1.054 (21,5%) và 266/1.003 (26,5%); Quy hoạch nữ Ban Thường vụ cấp huyện lần lượt là 35/324 (10,8%), 44/328 (13,4%) và 62/320 (19,3%); Quy hoạch nữ Ban Chấp hành Đảng bộ xã và tương đương lần lượt là 604/2.640 (22,9%), 847/3.301 (25,6%) và 1.016/3.346 (30,3%); Quy hoạch nữ Ban Thường vụ Đảng ủy xã và tương đương lần lượt là 110/742 (14,8%), 167/1.024 (16,3%), 214/946 (22,6%).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cán bộ nữ theo tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc được mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng và đạt được nhiều kết quả. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 23.176 nữ cán bộ, công chức, viên chức/45.019 cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 51,48%).

Công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ chủ chốt được quan tâm thực hiện ở cả 3 cấp: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 là 750/4.563 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,4%; nhiệm kỳ 2015-2020 là 592/3.534 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,7%; nhiệm kỳ 2020-2025 là 642/3.916 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,4%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tăng qua các nhiệm kỳ (Nhiệm kỳ 2011-2016 có 987/4597 đại biểu nữ, chiếm 21,47%; nhiệm kỳ 2016-2021 có 1.205/4.607 đại biểu nữ, chiếm 26,16%; nhiệm kỳ 2021-2026 có 1.032/3.812 đại biểu nữ, chiếm 27,07%).

Công tác phát triển đảng viên nữ được chú trọng. Trong 15 năm, toàn tỉnh phát triển mới 11.665 đảng viên nữ, tỷ lệ đảng viên nữ tăng từ 27,7% năm 2007 lên 38,6% năm 2021.

Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với các ban, ngành quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho phụ nữ; tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động trong hội viên phụ nữ. Vận động phụ nữ không ngừng học tập, sáng tạo đi đôi với việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đạo, phụ nữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; kịp thời giải quyết, hỗ trợ giống vốn, thông tin kỹ thuật; tăng cường đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ; quan tâm hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân, tàn tật thông qua chương trình giảm nghèo, các đề án, dự án; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống mại dâm, ma túy, phổ cập giáo dục tiểu học, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, buôn bán phụ nữ và trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, đấu tranh xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân gia đình, thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, các cấp vẫn còn thấp so với yêu cầu mục tiêu của Nghị quyết. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên phụ nữ ở một số tổ chức hội chưa rõ nét. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và các tầng lớp phụ nữ có lúc, có việc chưa sâu sát, kịp thời. Công tác tập hợp, thu hút hội viên ở một số cơ sở hội đơn điệu về nội dung, có hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu của hội viên. Việc tập hợp nữ thanh niên, phụ nữ có đạo, phụ nữ trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp còn thấp....

Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 39- CTr/TU (khóa VIII) của Tỉnh ủy; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 16/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong tình hình mới”.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ và phong trào phụ nữ; tạo điều kiện, cơ chế để tổ chức Hội tham gia công tác quản lý nhà nước, tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện giám sát và phản biện xã hội có hiệu quả; từng bước nâng cao trình độ, năng lực của phụ nữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phụ nữ trong tình hình mới; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, vị tha gắn với giải quyết việc làm, chăm lo cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe của phụ nữ; tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình Việt Nam phát triển theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Tập trung thực hiện tốt Kế hoạch 28-KH/TU ngày 21/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, với việc xây dựng quy hoạch, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự, quan tâm đào tạo cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức Hội thật sự vững mạnh toàn diện, chú trọng phát triển hội viên mới gắn với nâng cao chất lượng hội viên. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác phụ nữ; công tác phát triển đảng viên nữ, nhất là phát triển đảng viên nữ ở thôn, tổ dân phố. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp trong giám sát thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội; tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội LHPN phù hợp với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hướng mạnh hoạt động về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp theo nhóm, ngành nghề, lứa tuổi để vận động, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Mở rộng dân chủ và thực hành phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, phát huy vai trò nhân dân tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, hội viên phụ nữ. Đổi mới công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân, hội viên phụ nữ. Chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, phối hợp với chính quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, đoàn viên, hội viên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các phong trào, các cuộc vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hoàng Dương

 

 

Lượt xem: 2.865