Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhân tố quan trọng tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương Bảo Lâm In trang
10/10/2022 09:05 SA

Huyện Bảo Lâm có diện tích tự nhiện 146.344 ha; có 14 đơn vị hành chính (13 xã và thị trấn Lộc Thắng) với 108 thôn và 20 tổ dân phố; hiện có 30.140 hộ với 119.297 nhân khẩu, trong đó có 30% là người dân tộc thiểu số, với 29 dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện nay, Đảng bộ huyện Bảo Lâm có 60 tổ chức cơ sở đảng, 16 Đảng bộ cơ sở và 44 chi bộ cơ sở, có 247 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 128 chi bộ thôn và tổ dân phố; 100% thôn, tổ dân phố có chi bộ với tổng số đảng viên là 3.209 đảng viên.

Trong những năm qua, huyện luôn xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, luôn gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” theo chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07 tháng 01 năm 2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Ban Chỉ đạo Quy chế Dân chủ huyện Bảo Lâm đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tổ chức quán triệt, triển khai, rà soát và chỉ đạo tăng cường thực hiện các chủ trương của Đảng, Nghị quyết, văn bản về thực hiện Quy chế dân chủ các loại hình; Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, Ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở là nhân tố quan trọng tạo đồng thuận trong xã hội, nhằm góp phần phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia có hiệu quả những nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên các lĩnh vực như: công khai cho nhân dân quyết định và giám sát các dự án, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, phương án và dự toán quyết toán ngân sách; chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo... Đến nay, có 100% xã, thị trấn đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Mô hình “một cửa điện tử” trong giải quyết các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả cho tổ chức, công dân, đồng thời giúp cho công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan, đơn vị đối với nhân dân trong quá trình giải quyết, điều đó đã nâng cao sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết trên địa bàn huyện là: 30.461 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ đã giải quyết: 26.246 hồ sơ, trễ hạn: 1.814 hồ sơ, số lượng hồ sơ đang giải quyết: 616 hồ sơ, quá hạn: 34 hồ sơ. Đến tháng 7/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện là 979,703 tỷ đồng, đạt 95% DT và bằng 129% SCK; tổng chi ngân sách nhà nước đến nay là 396,832 tỷ đồng, bằng 51% dự toán và bằng 90% so với cùng kỳ.

Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng quy định. Trong kỳ, toàn huyện tiếp được 16 lượt công dân (tăng 02 lượt so với cùng kỳ năm trước). Nội dung tiếp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất…Đến nay, những vụ việc công dân đến trụ sở tiếp công dân của huyện để kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện cơ bản đều được xử lý, giải quyết xong.

Việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ được các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến trong các loại hình doanh nghiệp. Đến nay 100% doanh tổ chức hội nghị người lao động, cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở bằng các quy định, quy chế cụ thể, đúng với đặc điểm và loại hình doanh nghiệp, thông qua hội nghị người lao động và đối thoại nơi làm việc các ý kiến, đề xuất về các điều kiện, phương tiện, môi trường lao động, các chế độ chính sách đều được chủ doanh nghiệp tiếp thu, giải trình, giải quyết tại hội nghị. Các quy định, quy chế liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của ngời lao động đều được công khai, minh bạch góp phần trong việc ổn định tư tưởng, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong doanh nghiệp. Thông qua các buổi đối thoại trao đổi trực tiếp giữa người lao động hoặc đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Đối thoại giữa người sử dụng lao động trực tiếp với người lao động ngay tại nơi làm việc (có 7/8 DN tổ chức đối thoại, đạt tỷ lệ 87,5%); Có 8/13 doanh nghiệp đã ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở (đạt tỉ lệ 61,53%); 13/13 doanh nghiệp đã xây dựng Thảo ước lao động tập thể, trong đó có 11/13 Bản thỏa ước có nhiều điềm có lợi đối với người lao động so với Luật quy định.

Trong thời gian qua việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả, như vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án; hiến đất xây dựng các công trình, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các tập thể đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp…tạo khí thế phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trực tiếp giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản…qua đó phát hiện những trường hợp vi phạm, có dấu hiệu vi phạm được chính quyền giải quyết kịp thời thỏa đáng. Hiện nay, huyện Bảo Lâm có 14 Ban TTND xã, thị trấn với 162 thành viên; 14 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã, thị trấn với 153 thành viên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban TTND đã tham gia giám sát 15 vụ việc liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn; đã tham gia hòa giải 113 vụ, trong đó hòa giải thành 70 vụ; tiếp nhận 109 đơn khiếu nại, kiến nghị của nhân dân, phối hợp giải quyết 86 đơn, chuyển các cấp giải quyết 23 đơn.

Các Ban GSĐTCĐ hiện đang phối hợp giám sát 19 công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã, thị trấn, với tổng số vốn đầu tư là 21,02 tỷ đồng. Qua giám sát có 10 kiến nghị với chủ đầu tư thi công. UBND các xã, thị trấn và chủ đầu tư đã thực hiện kịp thời 10 kiến nghị của nhân dân.

Những nội dung công việc quy định dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc tham gia ý kiến để chính quyền quyết định được triển khai thực hiện tốt như: Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ tr­ương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, đã tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân trong huyện đã đóng góp được gần 1,2 tỷ đồng, hiến 13.363m2 đất, đóng góp 997 ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhân dân ở nhiều khu dân cư tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư làm nhà cửa, tường rào khang trang, góp phần làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: trong công tác tuyên truyền, phổ biến chưa thường xuyên. Trong việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vẫn còn hình thức. Việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Ban Thanh tra nhân dân ở một số cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, thường xuyên. Việc tổ chức đối thoại với người lao động còn hình thức; chưa thực sự phát huy được vai trò và trách nhiệm của người lao động trong việc thực hiện quyền dân chủ, tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp tham gia phát triển doanh nghiệp.

Để phát huy hơn nữa các kết quả đạt được trong thời gian qua và khắc phục những hạn chế đang tồn tại, huyện Bảo Lâm cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai sâu rộng Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập rà soát hoàn thiện Quy chế dân chủ theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP “về thực hiện chủ trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập”. Lãnh đạo các doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị định 145/2018/NĐ-CP; tiếp tục rà soát hoàn chỉnh quy chế thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc của đơn vị.

Thứ hai, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp; tăng cường đối thoại, tiếp xúc và đổi mới các hình thức lấy ý kiến tham gia của Nhân dân, tích cực vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Thứ tư, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường phân công và nâng cao trách nhiệm của các thành viên. Cần đổi mới công tác chỉ đạo theo hướng sát dân, gần dân, công khai, minh bạch.

Thứ năm, cần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thông tin về các chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng và nhân rộng và tuyên truyền các gương điển hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ sáu, nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Quang Tuyền

Lượt xem: 4.011