Công tác khuyến học, khuyến tài trong đội ngũ nông dân để tiếp cận với chương trình nông nghiệp công nghệ cao In trang
26/03/2024 10:35 SA

Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng, trách nhiệm tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, trong những năm qua Hội Nông dân các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 89-KH/TU ngày 10/6/2019 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện Kế luận 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Quyết định số 1373/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 6914/KH-UBND, ngày 28/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 05/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thúc đẩy phong trào khuyến học, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong cán bộ, hội viên, nông dân. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền thiết thực, hiệu quả như trên hệ thống Website của Hội, các nhóm zalo, facebook, cổng thông tin điện tử, bản tin của Hội; đặc biệt là tổ chức các Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, “Nhà nông đua tài”, “Nông dân với kiến thức khoa học kỹ thuật”, “Nhà khoa học của nhà nông”… phối hợp với Trường cán bộ Trung ương Hội, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm khuyến nông, Sở Khoa hoạc công nghệ… tổ chức các lớp tập huấn về công tác Hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật… chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành mở 1.182 lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT cho 82.010 lượt hội viên, nông dân. Phối hợp với Công ty TNHH Kume Hiyo (Nhật bản) tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng phân bón hữu cơ vào canh tác vào canh tác và xử lý chất thải nông nghiệp”.

Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng hình thức đẩy mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và hữu cơ. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ vào sản xuất kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, bố trí lại sản xuất. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 62 nghìn ha (chiếm 20,8% diện tích đất canh tác), trong đó diện tích rau các loại khoảng 25 nghìn ha, hoa trên 2 nghìn ha.

Bên cạnh nội dung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canhtác nông nghiệp không dùng nhà kính, Quyết định số 178-QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng cũng xác định xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công tác dạy nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Trong năm 2022, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp tổ chức 1.435 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 101.384 lượt hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 103 lớp dạy nghề cho 3.375 hội viên nông dân; tổ chức 255 buổi hội thảo có 11.245 lượt người dự; tư vấn về nghề và giới thiệu việc làm cho trên 4.000 lượt lao động nông thôn, nông dân sau dạy nghề có việc làm là 3.500 lao động. Thông qua công tác đào tạo và nâng cao tay nghề đã làm thay đổi về nhận thức, ý thức cho lao động nông thôn, dần xóa bỏ tập tục, thâm canh, làm ăn lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ KHKT, đưa những giống cây con, máy móc vào mở rộng sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao KHKT, công nghệ sản xuất mới tại các trung tâm học tập cộng đồng; qua sách, báo, ti vi, mạng Internet, trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, qua thực tế lao động sản xuất…

Các cấp Hội tiếp tục phối hợp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2022 toàn tỉnh có 118.040 hộp nông dân đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi (bằng 75,2% số hội viên) kết quả bình xét có 66.500 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đây là những nông dân tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp cũng như đi đầu trong ứng dụng KHCN vào sản xuất. Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị nông dân với khoa học công nghệ với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp” đây là những hoạt động để nông dân học tập, đồng thời là những hạt nhân trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tích cực ủng hộ vào Quỹ khuyến học tại các địa phương, tại các dòng họ. Các cấp Hội phối hợp tổ chức gặp mặt, khen thưởng, trao quà cho học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện học tập cho con em, các thành viên trong gia đình; tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do địa phương, ngành Giáo dục-Đào tạo, Hội Khuyến học các cấp phát động như: Phong trào “Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, “Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”, “Tiết kiệm nuôi lợn nhựa khuyến học”, “Tiếp sức học sinh nghèo đến trường”...

Thông qua các phong trào thi đua của Hội Nông dân, phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ năng, kiến thức, phương pháp sản xuất, biết hạch toán trong sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ với nhau sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, nhằm tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều hộ nông dân đã thành lập các câu lạc bộ, doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội ngành nghề; kinh doanh dịch vụ ở các thị trấn, trung tâm cụm xã cho thu nhập cao. Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp, sáng chế, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua phong trào đã xuất hiện hàng ngàn hộ nông dân tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Hội từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội; thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân được nâng lên.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài trong các cấp Hội trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về giáo dục và đào tạo; về công tác khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt phong trào “Học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học/Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”.

Hai là: Tăng cường phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm công tác dạy nghề, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Thường xuyên tổ chức các hội thi, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ nông dân, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, nông dân được trang bị kiến thức, giao lưu, học hỏi, học tập suốt đời.

Ba là: Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường công tác phối hợp với các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân; công tác khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bốn là: Giới thiệu, tuyên truyền, kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân, gương điển hình nông dân có nhiều thành tích về phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng.

           Năm là: Tham mưu, phối hợp thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025”; Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn giai đoạn 2021-2025”.

(Hội thảo khoa học Dân vận khéo trong vận động người lớn học tập, nâng cao chất lượng cuộc sống)

Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, dân tộc và tôn giáo

 

 

Lượt xem: 86