Đạ Tẻh đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân In trang
13/10/2022 08:24 SA

Xác định quy chế dân chủ ở cơ sở có vai trò và vị trí quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn toàn huyện. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể chế hóa trên tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp trong nhân dân tham gia xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện nhà.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện

Các cấp uỷ trong huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ cấp huyện và 09 xã, thị trấn. Tại các cơ quan, đơn vị trong huyện, đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Ban chỉ đạo QCDC huyện đã đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn xây dựng quy chế thực hiện dân chủ, 08/08 xã đã xây dựng quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (Theo tinh thần Nghị định của Chính phủ). Các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, một số cơ quan, đơn vị không xây dựng quy chế thực hiện dân chủ theo Nghị định Chính phủ thì thực hiện dân chủ thông qua hội nghị cán bộ công chức đầu năm để quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động của cơ quan, thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, công khai dự toán, quyết toán thu - chi tài chính, phát huy dân chủ của cán bộ công chức trong sinh hoạt và hoạt động của cơ quan, đơn vị.

 - Tổ chức học tập, tuyên truyền các văn bản về QCDC cơ sở

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện để quán triệt và học tập Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ chính trị (khóa VIII), Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội và các Nghị định 04/2015/NĐ-CP, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với 3 loại hình: xã, thị trấn; các cơ quan hành chính sự nghiệp; doanh nghiệp. Đồng thời in sao tài liệu gửi đến các cấp ủy cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến QCDC ở cơ sở cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể và hệ thống truyền thanh của huyện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền và các cơ quan liên quan để tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Việc tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở thông qua các đoàn thể được thể hiện bằng các quy chế làm việc của Ban chấp hành các đoàn thể, quy định việc sinh hoạt, tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của đoàn viên, hội viên.

 Một số đơn vị, ngành đã kết hợp các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ để phổ biến nội dung các Nghị định Chính phủ về quy chế dân chủ. Các xã, Thị trấn việc nghiên cứu học tập quán triệt các văn bản tài liệu dân chủ được tổ chức với nhiều hình thức như mời báo cáo viên truyền đạt, tổ chức các tổ thông tin lưu động, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh truyền hình, lồng ghép với phổ biến tuyên truyền pháp luật. 

Để thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của tỉnh, liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở như thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 27/02/2018 của Tỉnh ủy về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với triển khai nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; luôn phát huy dân chủ, quyền làm chủ của người dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, công tác chỉnh trang, phát triển khu dân cư, công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Các cấp ủy luôn quan tâm thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, phát huy tối đa trí tuệ tập thể trên cơ sở đề xuất của cá nhân, tập thể thảo luận bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số. Trong thực hiện các quy định, quy chế làm việc, công tác quản lý và phát triển đảng viên, công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cũng như người đứng đầu thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở trong mọi công việc điều hành thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra tình trạng mất dân chủ.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở chuyển mạnh theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, tìm hiểu các nguyện vọng chính đáng của nhân dân nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế để tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, UBND các cấp quan tâm phát huy đúng mức vai trò của người dân; việc công khai, dân chủ, minh bạch được thể hiện tốt ở các dự án, các công trình trọng điểm, các chính sách an sinh xã hội. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, việc giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân được thực hiện nhanh chóng. Các quy trình được cụ thể hóa, giảm thiểu các thủ tục rườm rà không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, từng bước nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, đem lại sự hài lòng cho tổ chức và người dân.

HĐND huyện, xã, thị trấn có nhiều đổi mới trong hoạt động, tổ chức tốt các kỳ họp, quyết nghị ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, tổ chức tiếp xúc cử tri theo hướng chuyên đề, nhóm đối tượng. Các kiến nghị bức thiết của cử tri được lãnh đạo trực tiếp xuống địa bàn để tiếp xúc, nghe phản ánh, giải quyết. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết quan trọng, những vấn đề được dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm, việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, của doanh nghiệp… nhất là nội dung liên quan đến phát huy quyền, nghĩa vụ của người dân trong thực hiện QCDC.

Chính sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà việc thực hiện QCDC ở các loại hình có sự chuyển biến rõ nét. Từ đó, bầu không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, mở rộng; vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân được phát huy thông qua tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước... góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

- Một số kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở:

+ Ở loại hình xã, thị trấn: Những việc cần thông báo để nhân dân biết, chính quyền xã, thị trấn đã niêm yết tại trụ sở UBND xã, hội trường thôn hoặc nhà Trưởng thôn các văn bản có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến nhân dân về các thủ tục hành chính trong quan hệ giải quyết công việc với công dân nên phần lớn người dân được tiếp cận với những thông tin cần thiết. Đối với những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, nhất là các hạng mục công trình thuộc quy hoạch trung tâm cụm xã, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng, huy động sức dân xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đều được các cấp chính quyền thực hiện khá tốt. Trong những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân các xã và thị trấn đã đóng góp nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng như: Xây dựng hội trường thôn, bê tông hóa đường giao thông nông thôn và làm đường liên thôn...góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có 77/77 thôn, tổ dân phố đã được phê duyệt quy ước khu dân cư. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa hàng năm đạt trên 71%, gia đình văn hóa đạt trên 89%. Việc triển khai kế hoạch phát động thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, được sự đồng tình ủng hộ tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, nhân dân thấy rõ hơn quyền làm chủ của mình để tích cực hơn nữa việc tham gia xây dựng nông thôn mới huyện nhà. Qua triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, 09/09 xã, thị trấn đã đạt xã nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao; năm 2019, huyện đạt huyện nông thôn mới.

Việc nhân dân tham gia giám sát, kiểm tra được chính quyền xã thực hiện tương đối tốt là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND xã bầu và bầu trưởng thôn theo thông tri số 06 của UBTWMTTQ Việt Nam.  77 trưởng thôn, các chức danh chủ chốt do HĐND bầu ở xã, thị trấn đã được lấy phiếu tín nhiệm. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm chưa có trường hợp nào phải đề nghị HĐND xem xét.

+ Ở loại hình cơ quan, đơn vị: Những việc cán bộ, công chức phải được biết, những việc cán bộ công chức tham gia ý kiến, thủ trưởng cơ quan quyết định và những việc cán bộ công chức giám sát, kiểm tra nhất là những việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức; chế độ chính sách đều được thủ trưởng các cơ quan công khai thông báo đến mọi cán bộ công chức biết, cùng bàn bạc, thảo luận và quyết định thực hiện thông qua hội nghị cán bộ công chức đầu năm và quy chế thực hiện dân chủ theo Nghị định của Chính phủ. Không khí dân chủ trong sinh hoạt của cơ quan, trong phê bình và tự phê bình của cán bộ đảng viên ngày càng được mở rộng và phát huy đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong các cơ quan đơn vị, hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức được nâng lên. Thời gian qua, UBND huyện, xã đã tập trung đầu tư bộ phận một cửa cả về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để nâng cao sự hài lòng cũa người dân, hạn chế đơn thư phát sinh. Trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân của các cơ quan, tổ chức tính dân chủ được thể hiện ngày càng cao, nhất là trong việc cải cách thủ tục hành chính, các quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đúng quy định.

+ Ở khu vực Doanh nghiệp: Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện có 56 doanh nghiệp, trong đó: Doanh nghiệp Nhà nước có 9 doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 47 doanh nghiệp; số doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức công đoàn là 7 doanh nghiệp. Các DNNN trên địa bàn huyện mặc dù số CNVC-NLĐ còn ít nhưng cấp uỷ và Ban giám đốc các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị 30 của Bộ chính trị và Nghị định của Chính phủ. Hàng năm các doanh nghiệp đều tiến hành Đại hội công nhân viên chức để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức ký kết thoả ước lao động tập thể, bàn và quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động phù hợp với hướng dẫn của Nhà nước và tình hình thực tế của doanh nghiệp, bầu Ban thanh tra nhân dân. Những việc người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và được giám sát kiểm tra đều được Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Công đoàn và Đoàn thanh niên tổ chức đảm bảo quyền dân chủ theo quy chế thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy các doanh nghiệp đều hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, thu nhập và đời sống của người lao động ngày càng được nâng lên, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.

Qua triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã nhận thức được việc đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương nên đã chú trọng lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở từ đó làm chuyển biến cả về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và mối quan hệ trong công tác, giao tiếp, phối hợp, giải quyết công việc giữa cơ quan Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân ở các loại hình cơ sở được phát huy do vậy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành, tình hình đơn thư khiếu nại tố cáo không phức tạp, không xảy ra “Điểm nóng”, củng cố lòng tin của cán bộ, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của chính quyền.

 Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở là: Việc tổ chức quán triệt, học tập các nội dung về quy chế thực hiện dân chủ chưa thường xuyên nên còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được nghiên cứu, học tập đầy đủ các nội dung của quy chế thực hiện dân chủ nên nhận thức về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được đầy đủ. Ở một số đơn vị xã và cơ quan đơn vị còn lúng túng trong việc xây dựng quy chế thực hiện dân chủ.

Một số bài học kinh nghiệm trong thời gian tới:

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân về dân chủ và thực hành dân chủ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.

 Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác dân vận, phong trào thi đua: Dân vận khéo; phong trào cả nước xây dựng nông thôn mới; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chương trình giảm nghèo bền vững…

Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, sâu sắc các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo thực chất và hiệu quả, tránh hình thức; rà soát và có các biện pháp đẩy mạnh các nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hương ước, quy ước đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

 

Lượt xem: 595
Liên quan