Kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập giai đoạn 2021-2030” In trang
26/03/2024 10:39 SA

Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng thể hiện mong muốn: “làm cho ai cũng được học hành”, “làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”. Việc thực hiện cuộc vận động toàn dân học tập, đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập cũng là một cách để thực hiện lời dạy của Bác.

Sau 10 năm triển khai xây dựng xã hội học tập, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tích nhất định. Điều đáng ghi nhận trong công tác này là việc đánh giá đã đi vào thực chất, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đã mang lại cơ hội học tập cho mọi người dân trong cộng đồng, đồng thời đạt được những kết quả đạt quan trọng về phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Phát huy những thành quả đã đạt được trong thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2020, chương trình xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị. Đồng thời, thực hiện mô hình công dân học tập, huyện, thành phố học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập. 

Thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021- 2030”; UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2113/UBND-VX1 ngày 31/3/2022 về việc thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo được UBND tỉnh giao là cơ quan thường trực, chủ trì hướng dẫn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh ban hành Hướng dẫn số 905/SGDĐT-HKH ngày 04/5/2022 về thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”; tổ chức ký kết với các Sở: Văn hóa, thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Trường Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin chương trình phối hợp liên ngành về xây dựng xã hội học tập trong các sở, ngành cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.

Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình học tập; tích cực đánh giá xếp loại, công nhận danh hiệu gia đình, cộng đồng, dòng họ, đơn vị học tập. Qua đó, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng thực hiện, góp phần tạo môi trường học tập rộng khắp.

Để thực hiện hiệu quả xây dựng các mô hình học tập, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức các lớp tập huấn quán triệt các chỉ thị, quyết định của Trung ương, Tỉnh liên quan đến việc triển khai các mô hình học tập, đồng thời hướng dẫn tiếp tục thực hiện các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”. Các gia đình đã quan tâm đến việc tạo điều kiện, phương tiện học tập cho con em; xây dựng Quỹ Khuyến học gia đình qua chương trình tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học. Chính nhờ sự quan tâm của các gia đình và Hội Khuyến học cơ sở đã góp phần hoàn thành tốt công tác phổ cập giáo dục, hạn chế tình trạng nghỉ, bỏ học giữa chừng. Đặc biệt, đối với người lớn đã tích cực tham gia bồi dưỡng, nghiên cứu, học tập qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn của Trung tâm học tập cộng đồng, các tổ, nhóm, câu lạc bộ… và tích cực ứng dụng kiến thức vào sản xuất và cuộc sống. Mô hình “gia đình học tập” đã có tác động tích cực đến các thành viên trong gia đình, đa số đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của học tập đối với đời sống xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực với lao động, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm ăn để thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Cùng với xây dựng Gia đình học tập, các dòng họ đã thành lập Ban Khuyến học dòng họ để xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến học cho dòng họ. Các dòng họ đã tổ chức xây dựng Quỹ Khuyến học để chăm lo, khen thưởng và hỗ trợ học bổng cho con em trong dòng họ học tập. Mỗi dòng họ có một sắc thái khác nhau, song đều có những điểm chung là xây dựng được những quy ước nhằm xây dựng, phát huy truyền thống của dòng họ, có chương trình hoạt động khuyến học trong năm, xây dựng Quỹ Khuyến học. Các gia đình trong dòng họ đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và phát triển kinh tế, tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bên cạnh việc xây dựng Dòng học học tập, nhiều dòng họ còn tích cực đóng góp cho địa phương như dòng họ Phan (Bảo Lộc), Nguyễn Hữu (Đà Lạt), Trịnh (Đạ Huoai)...

Phát huy truyền thống hiếu học của gia đình và dòng họ, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ở bất cứ đơn vị nào, khi triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhận thức đúng về việc xây dựng XHHT là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân; hiểu được sự cần thiết của công tác xây dựng XHHT trong thời kỳ mới. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp GDĐT, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các ngành, đoàn thể đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của ngành mình, tổ chức và đơn vị mình tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công. Qua xây dựng Cộng đồng học tập, nhận thức và kiến thức của người dân được nâng cao. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa và đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới. Nhiều thôn, xóm, khu phố đã có những cách làm hay góp phần xây dựng Cộng đồng học tập tại địa phương (Đà Lạt, Đạ Huoai, Di Linh...)

Các đơn vị cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố đã thực hiện có hiệu quả Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 7570/UBND-VX1 ngày 15/9/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đã quán triệt đến các cán bộ, công chức quan điểm trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Đơn vị học tập”. Hiện nay, nhiều đơn vị có chế độ hỗ trợ kinh phí, khen thưởng và tạo điều kiện cho việc học tập nâng cao trình độ của thành viên trong đơn vị. Các Chi hội đã thực hiện xây dựng Quỹ Khuyến học hỗ trợ cho việc khen thưởng các thành viên, con em trong đơn vị có thành tích học tập tốt và tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Qua 02 năm thực hiện Chương trình, đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có: 277.286/324.761 gia đình học tập, chiếm tỷ lệ 85,38%; 268/510 dòng học học tập, chiếm tỷ lệ 52,55%; 1.295/1.367 cộng đồng học tập, chiếm tỷ lệ 94,73%; 857/954 đơn vị học tập, tỷ lệ 89,83%. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 286.701 gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình học tập; 276 dòng họ đăng ký Dòng họ học tập; 1.324 cộng đồng đăng ký Cộng đồng học tập; 931 đơn vị đăng ký Đơn vị học tập (số lượng đăng ký các mô hình tăng so với năm 2022).

Bên cạnh việc triển khai các mô hình học tập trên, Lâm Đồng là 01 trong 07 tỉnh trong toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai thí điểm xây dựng huyện/thành phố học tập. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9271/KH-UBND ngày 20/12/2021 về việc triển khai thí điểm huyện, thành phố học tập. Việc thí điểm được tổ chức ở 12/12 huyện thành phố. Sau hơn một năm thực hiện, đối chiếu với các chỉ báo, tiêu chí, tiêu chuẩn, tuy 12/12 huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng chưa đạt huyện, thành phố học tập mức độ 1, nhưng việc triển khai thí điểm đã góp phần vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng một nền giáo dục mở thực học; động viên, khuyến khích xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Với mục tiêu thúc đẩy việc học tập suốt đời để con người phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021- 2030”, Hội Khuyến học tỉnh đã tập huấn triển khai xây dựng mô hình “Công dân học tập” cho những đối tượng trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau, phù hợp với trình độ học vấn và đặc điểm nghề nghiệp, nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tính đến thời điểm này, Số lượng đăng ký công dân  học tậplà 221.053/519.876, chiếm tỷ lệ 42,52%; phần mềm đánh giá công dân học tập có 45.000 lượt công dân đăng nhập.

Việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tốt đẹp, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân trong cộng đồng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Từ phạm vi nhỏ nhất là mỗi công dân, cho đến qui mô gia đình, thôn xóm, đơn vị và cộng đồng đều có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng thông qua các tiêu chí đánh giá cụ thể.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các mô hình học tập cho thấy phát triển các mô hình cũng đang gặp phải một số khó khăn, rào cản nhất định, như: Chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí. Công tác tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập và xây dựng xã hội học tập phù hợp với yêu cầu phát triển địa phương, xu thế phát triển giáo dục chưa có chiều sâu, nhất là một số địa bàn khu dân cư vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc. Nhận thức của một bộ phận người dân lao động ở nông thôn và nhân dân trong xã hội chưa đồng đều, chưa thật chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Để tiếp tục phát huy phong trào xây dựng các mô hình học tập trong những năm tiếp theo, Lâm Đồng tiếp tục nhân rộng và triển khai các mô hình học tập; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập”; triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng các mô hình học tập; huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời; gắn kết bình xét danh hiệu thi đua “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” với các danh hiệu thi đua trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng xã hội học tập vừa là một nhiệm vụ cấp bách, vừa là một yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay, quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết định trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế tri thức, góp phần đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội trí tuệ, hiện đại, hội nhập kinh tế thế giới. Xây dựng xã hội học tập sẽ giúp mọi người bất kể độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội… đều thấy cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách... theo nguyên tắc tự học là chính, là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị, đất nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước.

Phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, dân tộc và tôn giáo

Lượt xem: 107
Liên quan