Dân vận khéo trong phát triển mô hình kinh tế tại địa phương In trang
12/07/2024 02:45 CH

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được cấp ủy, chính quyền MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội với nhiều hình thức. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều mô hình được xây dựng và phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng điểm lại một số mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế tiêu biểu được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen năm 2023.

1. Mô hình “Ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” của Tổ hợp tác rau an toàn thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng

Ban đầu khi thành lập tổ hợp tác có 7 thành viên chính thức với diện tích là 5.8 ha, vốn điều lệ là 500 triệu đồng, khi tham gia sản xuất rau an toàn, các thành viên trong tổ cũng gặp không ích khó khăn, trình độ hiểu biết còn hạn chế, lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp… Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, tổ hợp tác đã tiến hành lấy mẫu đất và nước đi kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn cho phép các thành viên bắt tay vào sản xuất, trong tổ phân công mỗi hộ sản xuất là một sản phẩm để có thể cung cấp ra thị trường để đảm bảo đa dạng sản phẩm rau, củ, quả; trong quá trình sản xuất yêu cầu từng hộ dân phải ghi chép nhật ký sản xuất hàng ngày, tuyệt đối không phun thuốc trừ sâu hóa học, bón phân đủ thời gian cách ly mới thu hoạch... Qua rất nhiều lần, gởi mẫu đi xét nghiệm, sản phẩm của tổ làm ra đã đạt tiêu chuẩn rau an toàn.

Sản phẩm của Hợp tác xã trồng Sầu Riêng theo tiêu chuẩn VietGAT
Sản phẩm của Hợp tác xã trồng Sầu Riêng theo tiêu chuẩn VietGAT

Các thành viên tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn cách ghi nhật ký VietGap, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất rau an toàn. Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật quy trình sản xuất rau, củ quả… chất lượng cao gắn với sơ chế được biết và áp dụng vào quá trình sản xuất; tham gia tập huấn kiến thức về thực hành tốt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi đưa vào hoạt động tổ hợp tác đã thu mua toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả của tổ viên Tổ hợp tác, mang lại thu nhập bình quân từ 200 - 500 triệu đồng/1năm.

Hiện nay Tổ Hợp tác thu mua vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 5 bình quân thu và xuất từ 2,5 đến 3,5 tấn; riêng thứ 6, 7 cuối tuần bình quân thu và xuất từ 3,5 đến 4 tấn đến hệ thống siêu thị lớn nhất trong nước là MM Mega Market. Ngoài ra Tổ hợp tác còn xuất 02 loại mặt hàng là Ớt chuông và củ Dền đến Singapore tùy vào đơn đặt hàng của đối tác. Các loại sản phẩm bên Tổ hợp tác cung cấp ra thị trường gồm: Ớt chuông 3 màu, ớt xiêm xanh, su su, su su baby, xà lách lolo xanh, xà lách Iceberg, củ dền, cây sả, cà tím, cà chua, gừng, bạc hà, cải thảo, bắp cải… Các sản phẩm làm ra đã được Công ty MM Mega Market bao tiêu nên các thành viên yên tâm sản xuất, các kế hoạch cây trồng đã được bên Tổ hợp tác họp lại cùng các thành viên và đưa ra kế hoạch trồng chi tiết khoa học nên các thành viên thực hiện tốt để đưa ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Về giá cả thì được bên Siêu thị thu mua với giá ổn định, đúng với chất lượng sản xuất ra. Sản phẩm đem đi tiêu thụ được test thuốc liên tục và có chứng nhận từ các đơn vị ở Sài gòn cũng như các mẫu nước tại vườn sản xuất và kho sơ chế cũng được kiểm định. Sản phẩm của tổ hợp tác được truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Trong năm 2023, Tổ hợp tác đã triển khai thực hiện sản xuất rau, củ quả đạt theo tiêu chuẩn VietGAP là 7.8 ha, đây là điều kiện thuận lợi để Tổ hợp tác tiến tới đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị rau, củ, quả an toàn và tạo thêm thu nhập cho Tổ hợp tác và tổ viên, mong muốn đưa sản phẩm đạt OCOP. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác bên cạnh những thuận lợi cũng gặp rất nhiều khó khăn về xây dựng phương án kinh doanh, phát triển tổ viên, huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, vùng nguyên liệu... Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo địa phương đã giúp Tổ hợp tác hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cũng như phát triển thêm thành viên mới, hiện nay tổ hợp tác có 16 thành viên với hơn 10ha canh tác.

Sản phẩm  của tổ hợp tác rau an toàn
Sản phẩm của tổ hợp tác rau an toàn

Trong thời gian tới, Tổ hợp tác đẩy mạnh sản xuất, phát triển thêm các dịch vụ để phục vụ cho các thành viên tổ hợp tác, nhất là phát triển sản phẩm OCOP được sản xuất từ tổ hợp tác, tận dụng và phát huy tối đa các chính sách đã được hỗ trợ để xây dựng và phát triển tổ hợp tác tiêu biểu tiến lên xây dựng hợp tác xã, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dịch vụ, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất rau, củ, quả an toàn, chất lượng cao gắn với sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập cho Tổ hợp tác góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Hiệp Thạnh.

2. Mô hình “Vận động các hộ nông dân trồng rau sạch, tạo vùng nguyên liệu cho công ty chế biến, xuất khẩu” của Công ty Nông sản thực phẩm Lâm Đồng

Công ty Nông sản thực phẩm Lâm Đồng tạo lập thị trường nguyên liệu với trên 200 nhà cung ứng là các hộ vừa trực tiếp sản xuất vừa thu mua, tạo nguồn đầu vào ổn định, đạt chuẩn. Thu hút nguồn lao động địa phương khoảng hơn 300 người với mức lương bình quân từ 7,5 triệu đồng/người/tháng; trong đó, có 150 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình vận động được các hộ trồng rau nguyên liệu xuất khẩu đổi mới phương pháp, quy trình canh tác rau sạch, an toàn. Giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động các địa phương trong vùng và địa phương lân cận. Mô hình có sức lan toả và áp dụng tương tự được với các công ty chế biến nông sản khác, các địa phương khác một cách bền vững, lâu dài.

3. Mô hình “Tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia Hợp tác xã sản xuất Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký mã số vùng trồng Sầu riêng” của Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai

Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’ri được thành lập ban đầu với 16 thành viên do ông Nguyễn Thanh Sơn sáng lập đến nay đã phát triển lên thành 125 thành viên đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Sơn với vai trò là Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX nông nghiệp Đạ M’ri, đã cùng với địa phương xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên với Doanh nghiệp thông qua HTX cụ thể: Liên kết và hợp đồng giao dịch với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư phân bón thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng tốt và giá cả ổn định cho các thành viên và nông dân tại địa phương. Liên kết với các công ty, nhà khoa học và Trung tâm khuyến nông tỉnh để đưa kỹ thuật về hướng dẫn, tập huấn áp dụng khoa học vào sản xuất cho các thành viên và nông dân tại địa phương. Tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng cho các thành viên và nông dân. Vận động nông dân địa phương tham gia vào Hợp tác xã, đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng. Đến nay, đã có 108 hộ với 375,2 ha/6 mã số vùng trồng Sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra thẩm định trực tuyến đạt yêu cầu. Tuyên truyền vận động các thành viên tham gia đăng ký thực hiện quy trình sản xuất Sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP được 111 hộ tham gia với 382,2ha (đã có chứng nhận). Kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm “Sầu riêng Đạ Huoai”. Tổ chức tham gia Hội thi trái cây của huyện Đạ Huoai lần thứ nhất đã đạt giải Nhất Hội thi và giải sản phẩm sầu riêng ngon nhất. Để đạt được điều đó, cá nhân ông đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách nông nghiệp của thị trấn đến từng tổ dân phố trên địa bàn để tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu về lợi ích cũng như sự cần thiết trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản chủ lực của địa phương đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và và nâng cao thu nhập trên một đơn vị đất sản xuất. Hầu hết nông hộ trong thị trấn đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, qua đó sản lượng, chất lượng cây Sầu riêng, cây Điều năm 2023 tăng cao so với những năm trước. Hiện nay, toàn thị trấn có 551,2 ha cây trồng được đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, năng suất bình quân cây Điều năm 2023 đạt 8,4 tạ/ha, cây Sầu riêng đạt 111,4 tạ/ha (Sầu riêng ghép đạt 118,09 tạ/ha, Sầu riêng hạt đạt 79 tạ/ha). Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng già cỗi, năng xuất chất lượng thấp sang giống cây có giá trị kinh tế cao được 71 ha; trong đó, có 62 ha sầu riêng và 09 ha điều. Qua khảo sát cuối vụ thu hoạch có khoảng trên 150 ha cho thu nhập 500 triệu đồng /ha và giá trị trên 01 đơn vị diện tích đất sản xuất đạt 135,5 triệu đồng/ha, vượt 20 triệu đồng/ha so với kế hoạch năm 2023 và tăng 30 triệu đồng so với năm 2022.

Nông dân trồng rau sạch, tạo nguồn cho công ty chế biến xuất khẩu
Nông dân trồng rau sạch, tạo nguồn cho công ty chế biến xuất khẩu

Với những thành tích trên, Ông được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023. Đó cũng là thành quả xứng đáng, khích lệ tinh thần đối với cá nhân ông và mong muốn mô hình này được lan tỏa sâu rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Quang Tuyền

Lượt xem: 160
Liên quan